SolarPower chuyên ☑ Bán ☑ Lắp Đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời Chuyên Nghiệp ☑Chất lượng cao với Chi Phí cực kì cạnh tranh ☎ 1800.7171.

31/7/20

Giải thích chi tiết các đơn vị đo lường điện mặt trời: Wp, kWp, kWh

Khi tìm hiểu về hệ thống điện mặt trời, bạn sẽ gặp các đơn vị đo lường như Wp, kWp, kWh… Vậy ý nghĩa của chúng là gì? kWh và kWp khác nhau như thế nào?

Wp là gì? Wp thường được dùng khi nào?

Đơn vị Wp thường được sử dụng cho các thiết bị năng lượng mặt trời, như các tấm pin mặt trời. Wp là viết tắt của Watt peak – một đơn vị đo công suất tức thời trong điều kiện tiêu chuẩn. Điều kiện tiêu chuẩn là điều kiện mà tấm pin năng lượng mặt trời có thể hoạt động ở tối đa công suất thiết kế, bao gồm: Cường độ ánh sáng (bức xạ mặt trời) 1000W/m2, áp suất khí quyển 1.5AM, nhiệt độ cells pin ở 25 độ C. Ví dụ, trong điều kiện tiêu chuẩn, một tấm pin năng lượng mặt trời 400 Wp có thể tạo ra công suất tối đa là 400W.

kWp là gì? Để lắp đặt 1 kWp tấm pin mặt trời cần diện tích bao nhiêu?

kWp (viết tắt của kilowatt peak) dùng để chỉ công suất đỉnh của một hệ thống hoặc bảng điều khiển PV. Như vậy, tương tự như Wp, kWp cũng là đơn vị đo lường công suất tức thời nhưng dùng để đo lường công suất tối đa tại điều kiện tiêu chuẩn của cả hệ thống điện mặt trời chứ không phải của một tấm pin cụ thể. Ví dụ, hệ thống điện mặt trời 5 kWp, hệ thống điện mặt trời áp mái 7 kWp, hệ thống 200 kWp…

giai-thich-chi-tiet-cac-don-vi-do-luong-dien-mat-troi-wp-kwp-kwh-1(Ảnh minh họa internet)

Để đo công suất đỉnh của hệ thống điện mặt trời, người ta còn sử dụng các đơn vị đo lường như GWp (gigawatt-peak), MWp (megawatt-peak)… Chi tiết quy đổi như sau:

1 GWp = 1.000 MWp

1 MWp = 1.000 kWp

Khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, bạn có thể dựa vào công suất để ước lượng diện tích mái tối thiểu. Theo đó, cần diện tích mái khoảng 6-7 m2 cho 1 kWp. Nếu bạn muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái 3 kWp cho gia đình mình, bạn cần diện tích mái khoảng 20 m2.

Còn kWh là gì?

Đơn vị kWh (kilowatt – giờ) được sử dụng rất phổ biến, bạn có thể nhìn thấy chúng thường xuyên, chẳng hạn như trong hóa đơn tiền điện bạn nhận được mỗi tháng. kWh cũng là một đơn vị đo năng lượng điện, có thể đo mức độ sử dụng hoặc sản xuất năng lượng điện trong một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ:

  • Với năng lượng tiêu thụ: gia đình bạn dùng một chiếc đèn LED công suất 100 watt (= 0,1kW) liên tục trong 10 giờ, lượng điện năng tiêu thụ sẽ là: 0,1x10 = 1 kWh.

Ấm siêu tốc công suất 2.000W sẽ tiêu thụ 1 kWh điện trong 30 phút.

Máy ủi quần áo công suất 1.500W sẽ tiêu thụ 1 kWh điện trong khoảng 40 phút.

Tivi công suất 280 – 450W sẽ tiêu thụ 1 kWh điện trong khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ.

  • Với năng lượng sản xuất: Hệ thống điện mặt trời 1 kWp hoạt động với công suất tối đa trong 1 giờ sẽ tạo ra 1 kWh điện. Để tính số kWh điện năng sản xuất từ hệ thống điện mặt trời trong một ngày, cần dựa vào thời gian nắng, cường độ bức xạ mặt trời. Trong thực tế, số giờ nắng mỗi ngày khác nhau, tùy theo mùa và theo khu vực, cường độ bức xạ cũng khác nhau. Tại Việt Nam, ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,5-5,5kWh/m2/ngày, ở các tỉnh miền Bắc khoảng 4-4,5kWh/m2/ngày. Nếu hệ thống điện mặt trời công suất 5kWp được lắp đặt ở khu vực có cường độ bức xạ mặt trời 5kWh/m2/ngày thì có thể tạo ra 25 kWh điện mỗi ngày.

giai-thich-chi-tiet-cac-don-vi-do-luong-dien-mat-troi-wp-kwp-kwh-2Hệ thống điện mặt trời này sử dụng 32 tấm pin năng lượng mặt trời 315Wp, công suất lắp đặt 10kWp

Như vậy, bạn có thể cân đối tổng năng lượng tiêu thụ trong tháng (tính theo kWh) để tính toán lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất phù hợp (tính theo kWp) - trong trường hợp bạn muốn hệ thống điện mặt trời chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng điện. Ví dụ, bạn ở khu vực miền Nam, thuộc địa phương có bức xạ mặt trời khoảng 4,5 kWh/m2/ngày. Gia đình bạn mỗi tháng sử dụng hết 800 kWh điện, trong đó 70% là sử dụng vào ban ngày (tương ứng 560 kWh điện). Nếu bạn lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 5kWp, mỗi tháng tạo ra khoảng 650 kWh điện thì sẽ đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng điện vào ban ngày của gia đình. Vào các thời điểm hệ thống sản xuất được nhiều điện hơn so với mức tiêu thụ, điện dư sẽ được phát ngược lên lưới điện, bán cho ngành điện. Thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện cao hơn điện sản xuất ra hoặc vào buổi tối hệ thống không tạo ra điện, điện sẽ tự động lấy từ hệ thống.

Hiện nay, giá bán điện mặt trời được tính theo giá FIT2, với điện mặt trời áp mái là 1.943VNĐ/kWh (chưa tính VAT), thời hạn 20 năm (Xem chi tiết tại đây: https://solarpower.vn/gia-dien-mat-troi-moi-nhat-chinh-thuc-ban-hanh-ngay-06-4-2020/). Do đó, hiện nay, nhiều hộ gia đình đã lắp đặt điện mặt trời theo khả năng tài chính và điều kiện thi công, coi điện mặt trời như một hình thức đầu tư an toàn vừa dùng vừa bán thay vì chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng điện.

Vu Phong Solar

The post Giải thích chi tiết các đơn vị đo lường điện mặt trời: Wp, kWp, kWh appeared first on Vũ Phong Solar.



source https://solarpower.vn/giai-thich-chi-tiet-cac-don-vi-do-luong-dien-mat-troi-wp-kwp-kwh/
Share:

22/7/20

Pin năng lượng mặt trời PV hết hạn sử dụng – Phương án giải quyết – End-Of-Life Photovoltaic – Solution

pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-9

Với đời sống kinh tế của các dự án điện mặt trời là 25 năm, câu hỏi đặt ra là phải làm gì để xử lý một số lượng lớn Pin năng lượng mặt trời sau khi đời sống dự án kết thúc? Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người đọc để hiểu và nhìn nhận PIN MẶT TRỜI khi xem xét là chất thải (do hết hạn sử dụng hay do hỏng hóc) một cách đúng đắn hơn. Bài viết này không nhằm mục đích đưa ra giải pháp xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng.

  1. Mở đầu

Hiện nay, năng lượng tái tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc bổ sung và đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của con người. Đây là một nguồn tài nguyên dồi dào, có sẵn trong tự nhiên và tồn tại dưới nhiều dạng phổ biến. Trong đó năng lượng mặt trời, là một nguồn năng lượng gần như vô hạn có thể được khai thác tại phần lớn khu vực trên thế giới, đang nổi lên như một sự lựa chọn bổ sung lý tưởng cho các nguồn năng lượng truyền thống khác.

Công nghệ điện mặt trời hiện nay đang phát triển nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2017, tổng công suất điện mặt trời quang điện (PV) đã lắp đặt trên thế giới lên tới 402GW; trong đó, Trung Quốc, Mỹ và Nhật là ba trong số những nước có công suất lắp đặt điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất đặt ước tính tương đương lần lượt là 130,5GW, 51GW và 49 GW [1].

pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-1Hình 1. Quy mô lắp đặt điện mặt trời của 10 nước dẫn đầu thế giới - 2017 [1]

Theo đánh giá của Viện Năng Lượng – Bộ Công Thương, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời tại Việt Nam khoảng 1.677,5GW. Theo kịch bản kinh tế phát triển cao, đến năm 2030 cần có tổng cộng 385,8 GW điện mặt trời được đưa vào vận hành để phục vụ phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của World Bank, tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM là 6,3GW, Đà Nẵng là 1,1GW [2].

Với tiềm năng lớn như vậy, một số thông tin, ý kiến tiêu cực, không đúng bản chất có thể cản trở đến việc phát triển điện mặt trời ở Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng Pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng sẽ trở thành chất thải nguy hại cho môi trường và cần được xử lý. Vậy tại sao Pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng được xem là chất thải nguy hại?

Với đời sống kinh tế của các dự án điện mặt trời là 25 năm, câu hỏi đặt ra là phải làm gì để xử lý một số lượng lớn Pin năng lượng mặt trời sau khi đời sống dự án kết thúc?

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người đọc để hiểu và nhìn nhận PIN MẶT TRỜI khi xem xét là chất thải (do hết hạn sử dụng hay do hỏng hóc) một cách đúng đắn hơn. Bài viết này không nhằm mục đích đưa ra giải pháp xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng.

  1. Tại sao Pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng là chất thải thải nguy hại? Có nhầm lẫn chăng khi nói rằng Pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng là chất thải thải nguy hại?

Để trả lời các câu hỏi này, trước hết, ta cần xem xét thành phần chủ yếu cấu thành tấm Pin năng lượng mặt trời là gồm những vật liệu gì?

  1. Thành phần cấu tạo các tấm pin năng lượng mặt trời

Pin năng lượng mặt trời hay pin mặt trời hay pin quang điện (Solar panel/module) bao gồm nhiều tế bào quang điện (solar cell) - là phần tử bán dẫn có chứa trên bề mặt một số lượng lớn các cảm biến ánh sáng là điốt quang, thực hiện biến đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng điện.

Ngày nay, vật liệu chủ yếu chế tạo tế bào quang điện (solar cell) là silic dạng tinh thể (đơn tinh thể, đa tinh thể) hoặc màng silic mỏng.

pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-2Hình 2. Tế bào quang điện (solar cell)

Tế bào quang điện (solar cell) được ghép lại thành khối để trở thành pin năng lượng mặt trời (solar panel). Thông thường 60 hoặc 72 tế bào quang điện trên một tấm pin năng lượng mặt trời.

pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-3Hình 3. Pin mặt trời (solar panel)

Những vật liệu chính được sử dụng làm pin mặt trời (solar panel):

Khung (Frame): Khung được làm bằng nhôm.pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-4

Hình 4. Cấu tạo pin năng lượng mặt trời

Kính (Glass): Kính loại cường lực/an toàn.

Phim EVA (Encapsulant): là lớp phim mỏng giúp liên kết vững chắc giữa tế bào quang điện (solar cell) và kính cường lực/lớp phủ polymer (backsheet) nhằm bảo vệ chống va đập và nâng cao tuổi thọ các tế bào quang điện (solar cell). EVA là loại vật liệu polymer (Ethylene Vinyl Acetate Copolymer) kết hợp giữa Ethylene và Acetate và được sản xuất qua phản ứng trùng hợp dưới áp suất rất cao, được ứng dụng rộng rãi trong ngành may mặc, giày dép, công nghiệp phụ trợ….

Tế bào quang điện (solar cell): là tấm silic dạng tinh thể (đơn tinh thể, đa tinh thể) hoặc màng silic mỏng là yếu tố chính của pin mặt trời.

Lớp phủ polymer (Backsheet): là lớp bảo về mặt dưới của tế bào quang điện (solar cell) tránh bị mài mòn do môi trường. Phần lớn các nhà sản xuất pin mặt trời sử dụng PVF (Polyvinyl fluoride) để làm Backsheet. PVF là một vật liệu polymer chủ yếu được sử dụng trong nội thất máy bay, làm áo mưa.... Một số pin cao cấp hơn sử thì lớp “Backsheet” bằng kính cường lực (loại double glass).

Hộp nối điện (Junction box): Vỏ hộp thông thường là loại polymer chịu nhiệt, chịu lửa, chịu thời tiết, chống tia UV gây lão hóa.... Các đầu nối trong hộp thường làm bằng đồng thau, phủ bạc hoặc phủ thiếc.

pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-5Hình 5. Hộp nối điện

Các dây dẫn (Wiring): liên kết giữa các tế bào quang điện (solar cell) và liên kết với hộp nối điện. Các dây dẫn này làm bằng đồng hoặc bạc.

Trong các thành phần cấu tạo nêu trên, tấm kính cường lực và tế bào quang điện được sản xuất từ cát với thành phần chủ yếu là Oxit Silic (SiO2) là vật liệu để sản xuất các đồ dùng thường thấy trong đời sống hàng ngày như chai lọ thủy tin đựng thức ăn....

Khối lượng chủ yếu của các tấm pin năng lượng mặt trời là theo thứ tự từ nặng đến nhẹ là (1) Tấm kính cường lực: ~65%; (2) Khung: ~20%; (3) Tế bào quang điện (solar cell): 6%-8%; (4) các thành phần còn lại. Một tấm pin mặt trời có 72 cell thông thường có khối lượng khoảng 22-27kg, trong đó (1) + (2) + (3) chiếm khoảng 92-94% khối lượng toàn bộ tấm pin năng lượng mặt trời.

  1. Có nhầm lẫn chăng khi nói rằng Pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng là chất thải thải nguy hại?

Có thể nhận thấy rằng thành phần cấu tạo chính của Pin năng lượng mặt trời không chứa các chất nguy hại. Vậy nguyên do đâu nhiều thông tin lại nói rằng pin mặt trời hết hạn sử dụng sẽ trở thành chất thải nguy hại và cần có biện pháp xử lý?

Có lẽ nhận định chưa chính xác này xuất phát từ tên gọi của điện năng lượng mặt trời là “PIN” trong tiếng Việt hoặc cấu tạo của nó có từ “CELL” trong tiếng Anh.

Khi nói đến từ “PIN” (được Việt hóa từ tiếng Pháp “PILE”) người ta liên tưởng ngay đến các loại PIN tích điện thông thường. Từ thời Pháp thuộc, đèn pin, đài (radio) dùng pin là đồ dùng phổ biến của người Pháp, các quý tộc, địa chủ giàu có tại Việt Nam. Người Việt Nam trong những năm ở thế kỷ XX rất thân thuộc với pin nhãn hiệu “Con Ó”, “Con Thỏ”. Ngày nay rất nhiều hãng pin nước ngoài thâm nhập và chiếm phần lớn thị phần pin ở Việt Nam.

pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-6Hình 6. Đèn Pin cổ xưa và Pin Con Ó

Từ “PIN” này trong tiếng Pháp là “PILE”, trong tiếng Anh là “BATTERY” hay còn gọi là “ACCU” trong tiếng Pháp hay Việt hóa gọi là “ẮC QUY”.

“BATTERY” hay “ACCU” là thiết bị tích điện dạng hóa học, khi được nhắc đến thì người ta liên tưởng ngay đến “ẮC QUY” a-xít chì.

“ẮC QUY” a-xít chì là loại thiết bị tích điện được sử dụng phổ biến từ hàng trăm năm nay (được phát minh bởi nhà vật lý người Pháp Gaston Planté's từ năm 1859 [3]).

Tất cả các PIN cho mục đích sử dụng tích điện tương tự như đèn pin hay ắc quy khi thải ra đều được xem xét là chất thải nguy hại do đó cần phải được thu hồi để xử lý.

Vì vậy, khi nhắc đến PIN người ta liên tưởng ngay đến chất thải nguy hại, do đó PIN mặt trời trở thành nạn nhân của việc đặt tên này (“PIN MẶT TRỜI”).

Vậy tại sao lại đặt tên là “PIN MẶT TRỜI” mà không dùng tên khác không có từ “PIN”? Tên “PIN MẶT TRỜI” xuất phát từ đâu?

Câu hỏi này thực sự khó trả lời, nhưng theo ý kiến của tác giả thì có lẽ xuất phát từ từ “CELL”.

Trong đời sống hàng ngày hiện nay, khi ta mua/thay pin cho máy tính xách tay, cho một số dòng điện thoại di động... ta hay thường hỏi “Cục pin này có bao nhiêu cell?”, “4 cell hay 6 cell vậy?”.... Đây là một thuật ngữ chuyên môn để nói lên dung lượng của Pin một cách đơn giản.

pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-7Hình 7. Một loại Pin máy tính xách tay có 6 Cell.

Tính tương đồng của hệ thống “PIN MẶT TRỜI” và “PIN TÍCH ĐIỆN” như sau:

Cấu tạo của các bộ ắc quy cũng xuất phát từ các CELL có điện áp vài volt >> các CELL ghép lại với nhau thành MODULE >> các MODULE liên kết với nhau thành RACK >> và cuối cùng sẽ trở thành HỆ THỐNG (SYSTEM) tích điện.

pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-8Hình 8. Cấu thành hệ thống pin tích điện

Đối với “PIN MẶT TRỜI” cũng tương tự: từ các tế bào quan điện là CELL >> liên kết với nhau thành MODULE/PANEL >> các MODULE liên kết với nhau thành ARRAY/TABLE >> và cuối cùng sẽ trở thành HỆ THỐNG (SYSTEM) năng lượng mặt trời.

pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution-9Hình 9. Cấu thành hệ thống pin năng lượng mặt trời PV

Vì vậy, có lẽ việc đặt tên có từ “PIN” cho hệ thống điện năng lượng mặt trời xuất phát từ tính tương đồng này.

Nghiên cứu, nhận định của các nước trên thế giới và giải pháp xử lý vấn đề chất thải pin mặt trời hết hạn sử dụng

Như vậy, theo ý kiến đánh giá của tác giả bài viết này thì “PIN MẶT TRỜI” không phải là chất thải nguy hại và bị nhầm lẫn do đặt tên. Vậy, câu hỏi đặt ra là các nước trên thế giới nhìn nhận việc này như thế nào?

Tác giả đã tìm hiểu về vấn đề này và xin được cung cấp cho người đọc một số thông tin tham khảo từ các khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức uy tín trên thế giới như ở dưới đây.

Liên quan đến việc xử lý pin mặt trời PV, có thể tham khảo các bài viết và một số thông tin đánh giá:

+ Theo SolarTech (USA) [4]:

Tuổi thọ các panel PV kéo dài 20-30 năm, có những panel pin mặt trời từ những năm 1970, 1980 hiện vẫn còn đang được sử dụng.

Nhiều cơ quan kiểm soát ở các bang và liên bang Mỹ đã cho tiến hành thí nghiệm để kiểm tra tính nguy hại đến môi trường nhưng phần lớn các sản phẩm đều vượt qua các test này và các cơ quan này không đưa pin mặt trời PV vào diện kiểm soát chất thải nguy hại.

Biện pháp đối với panel hết hạn: có nhiều biện pháp khác nhau nhưng chung quy lại là tách các thành phần vật liệu cấu tạo nên panel (kính, cell, kim loại, plastic/polymer) để tái sử dụng, như các tấm thủy tinh thì làm chai lọ, các cell thì được xử lý hóa học để các nhà máy tái sử dụng sản xuất các cell cho panel mới có hiệu suất/hiệu quả cao hơn...

Tóm lại: theo SolarTech thì ở Mỹ, đối với các panel mặt trời không sử dụng nữa (do hết hạn, hỏng hóc...) không được xem là chất thải nguy hại mà là tài nguyên để làm vật liệu đầu vào để sản xuất pin mặt trời mới hoặc cho các mục đích khác.

+ Theo tổ chức IEA Photovoltaic Power Systems Programme – IEA PVPS (Thụy Sỹ): Tổ chức này đã khảo sát, nghiên cứu về việc xử lý pin mặt trời đã hết hạn sử dụng từ rất lâu và ở nhiều nước. Theo tài liệu công bố [5] của tổ chức này:

  • Phản ứng, đánh giá ở các nước như sau:

- EU: đã có quy định tỷ lệ tái chế / tái sử dụng pin mặt trời tại EU là 85%/80%.

- Mỹ: Hiện không có luật lệ nào quy định về việc quản lý panel PV hết hạn sử dụng (No federal regulations currently exist in the United States regarding the collection and recycling of endof-life PV modules; therefore, the country’s general waste regulations apply).

- Nhật Bản: Không có quy định cụ thể về việc xử lý các pin mặt trời hết hạn sử dụng, các panel nếu phải thải bỏ (nếu không còn được sử dụng) thì được xử lý như chất thải rắn thông thường (không phải nguy hại). Tại Nhật Bản các panel này cũng được tái chế để sử dụng.

- Trung Quốc, Hàn Quốc: cũng có đánh giá tương tự như trên.

  • Tuổi thọ các panel PV kéo dài đến 30 năm và phần lớn vẫn tiếp tục vận hành.
  • Tất cả các vật liệu hình thành nên panel mặt trời đều được thu hồi và tái sử dụng. Các vật liệu đều được xem là tài nguyên, không phải chất thải nguy hại.
  • Tài liệu của IEA PVPS cũng cung cấp các thông tin các công nghệ xử lý để tái chế/tái sử dụng ở các nước cho các loại PV khác nhau. Các nước cũng đã và đang nghiên cứu các công nghệ để việc tái chế một cách có hiệu quả, chi phí thấp, rút ngắn thời gian tái chế...

Ý kiến của tác giả bài viết

Từ những phân tích và tìm hiểu như trên, tác giả có thể nhận định và đề xuất như sau:

+ Có sự nhầm lẫn vì đặt tên cho điện năng lượng mặt trời là “PIN” nên dẫn đến các thông tin trái chiều cho rằng “PIN MẶT TRỜI” là chất thải nguy hại.

+ Pin mặt trời hết hạn sử dụng sẽ không phải là chất thải nguy hại mà là nguồn tài nguyên để tái sử dụng cho mục đích sản xuất pin mặt trời mới có chất lượng cao hơn và giá thành rẻ hơn, ngoài ra cũng có thể sử dụng cho mục đích khác.

+ Tuổi thọ của pin điện mặt trời rất dài 20-30 năm, pin mặt trời từ những năm 1970, 1980 hiện vẫn còn đang được sử dụng. Do đó lượng pin mặt trời trên thế giới cần xử lý khá ít so với quy mô đã được sản xuất và chủ yếu là do khiếm khuyết, hỏng hóc. Ở Việt Nam đến 20-30 năm nữa mới là thời điểm bắt đầu xem xét phương án xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng.

+ Việt Nam được đánh giá là nơi có tiềm năng phát triển điện mặt trời có quy mô rất lớn. Do đó cần có thông tin tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu đúng bản chất của Pin mặt trời và ủng hộ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Th.S Đào Minh Hiển – Giám đốc Trung tâm R&D

Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2)

Nguồn: PECC2

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. REN21. 2018. Renewables 2018 Global Status Report (Paris: REN21 Secretariat). ISBN 978-3-9818911-3-3.

[2]. World Bank: technical assistance, Developing Sustainably Rooftop PV in Vietnam, February 27, 2019

[3]. Bách Khoa Toàn Thư Mở - Wikipedia, Lead–acid battery, Địa chỉ: https://en.wikipedia.org/wiki/Lead%E2%80%93acid_battery

[4]. SolarTech (USA), What to do when your solar panels expire, Địa chỉ: https:/solartechonline.com/blog/solar-panels-expire/

[5]. IEA Photovoltaic Power Systems Programme – IEA PVPS (Thụy Sỹ), End‐of‐Life Management of Photovoltaic Panels: Trends in PV Module Recycling Technologies, Địa chỉ: http://www.iea-pvps.org/index.php?id=4, Report IEA‐PVPS T12‐10:2018

The post Pin năng lượng mặt trời PV hết hạn sử dụng – Phương án giải quyết – End-Of-Life Photovoltaic – Solution appeared first on Vũ Phong Solar.



source https://solarpower.vn/pin-nang-luong-mat-troi-pv-het-han-su-dung-phuong-an-giai-quyet-end-of-life-photovoltaic-solution/
Share:

20/7/20

Nắng nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm, tiêu thụ điện sinh hoạt tăng gần 13%

he-thong-dien-mat-troi-hoa-luoi-5kwp-phuong-tan-quy-quan-7-tp-ho-chi-minh1

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 6/2020, điện cấp cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng đến 12,84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này được lý giải là do đợt nắng nóng kéo dài từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, kỷ lục trong 27 năm qua, từ năm 1993 đến nay. Đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày xảy ra trên diện rộng, trung tâm ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội với nền nhiệt thường xuyên ở mức cao trên 37 độ C, có những ngày lên mức gần 40 độ C. Tại miền Trung, đợt nắng nóng cũng kéo dài khoảng 17-18 ngày. Do ảnh hưởng của nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện trong các hộ gia đình tăng cao. Số liệu thống kê, điện sinh hoạt ở khu vực miền Bắc tăng mạnh, tăng 15,49% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 37,13% so với tháng 5/2020. Ở khu vực miền Trung, điện sinh hoạt tăng 5,85% so với cùng kỳ còn ở khu vực miền Nam tăng 11,87%. Tính đến ngày 25/6/2020, theo ghi nhận của EVN đã có trên 7,63 triệu khách hàng sinh hoạt có lượng điện năng tiêu thụ tăng 1,3 lần trở lên (trong tổng số 28,5 triệu công tơ được EVN lắp đặt).

nang-nong-keo-dai-ky-luc-trong-27-nam-tieu-thu-dien-sinh-hoat-tang-gan-13-1Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ tăng 2-3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên 5 độ C, lượng điện tiêu thụ của máy lạnh sẽ tăng lên khoảng 10%. Do đó, dù thời gian sử dụng nhiệt độ máy điều hòa không thay đổi và cài đặt nhiệt độ phòng không đổi nhưng nhiệt độ ngoài trời tăng cao thì lượng điện tiêu thụ sẽ tăng rất nhiều. Nói một cách đơn giản, sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ phòng càng tăng, điện năng tiêu thụ sẽ càng lớn. Trong khi đó, do thời tiết nắng nóng gay gắt, việc sử dụng các thiết bị làm mát như quạt điện, quạt điều hòa, máy lạnh… trở thành nhu cầu tất yếu, chi phí sử dụng điện vì thế cũng tăng cao.

Ít bị ảnh hưởng nhất về hóa đơn tiền điện trong thời gian này có lẽ là những hộ gia đình đã lắp đặt điện mặt trời áp mái. Bởi vì ban ngày, các thiết bị điện sử dụng trong nhà như máy lạnh, quạt, tủ lạnh, máy giặt… ưu tiên sử dụng điện tạo ra từ hệ thống điện mặt trời, nếu điện từ hệ thống không đủ mới lấy từ điện lưới (trong trường hợp điện năng tiêu thụ thấp hơn thì lượng điện dư sẽ phát ngược lên lưới, bán cho ngành điện). Nhờ đó, các hộ gia đình sẽ giảm được một lượng điện có giá bậc cao (giá điện sinh hoạt hiện đang được tính theo dạng bậc thang, càng tiêu thụ nhiều điện thì giá điện sinh hoạt càng cao).

nang-nong-keo-dai-ky-luc-trong-27-nam-tieu-thu-dien-sinh-hoat-tang-gan-13-2Điện mặt trời áp mái hộ gia đình là giải pháp hữu hiệu giúp giảm chi phí điện sinh hoạt

Theo thống kê của EVN, nửa đầu năm 2020, tổng công suất điện mặt trời áp mái tại Việt Nam tăng khoảng 44%. Tính đến tháng 6/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái đạt 763.555 kWp. Tính đến ngày 08/7/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái đạt khoảng 782 MWp với 37.300 hệ thống. Trong đó, phần lớn các hệ thống điện mặt trời ở khu vực phía Nam. Chỉ riêng 21 tỉnh thành phía Nam đã chiếm 50,73% công suất lắp đặt toàn hệ thống.

Phân tích từ các chuyên gia, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái để tiêu dùng đang hiệu quả hơn nhiều so với chỉ đơn thuần bán cho ngành điện. Tuy nhiên, để hệ thống hoạt động hiệu quả, đảm bảo hiệu suất và tuổi thọ công trình, người dùng cần chọn đơn vị lắp đặt điện mặt trời uy tín, nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường. Việc lắp đặt không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ làm giảm hiệu suất vận hành, không đảm bảo tuổi thọ hệ thống (các tấm pin năng lượng mặt trời có tuổi thọ lên đến 30-50 năm) mà còn có thể làm phát sinh các trục trặc, rủi ro về điện, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng cho chính người sử dụng.

Bạn có thể tham khảo thêm: [TƯ VẤN] 5 Mẹo Chọn Đơn Vị Lắp Đặt Điện Mặt Trời Gia Đình Uy Tín

Vu Phong Solar

The post Nắng nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm, tiêu thụ điện sinh hoạt tăng gần 13% appeared first on Vũ Phong Solar.



source https://solarpower.vn/nang-nong-keo-dai-ky-luc-trong-27-nam-tieu-thu-dien-sinh-hoat-tang-gan-13/
Share:

14/7/20

Ấn Độ đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời công suất 750 MW

an-do-dua-vao-van-hanh-nha-may-dien-mat-troi-cong-suat-750-mw-3

Dự án nhà máy điện mặt trời Rewa Ultra Mega có công suất lắp đặt 750 MW tại Ấn Độ vừa được khánh thành và chính thức đưa vào vận hành ngày 10/7/2020.

Rewa Ultra Mega là một trong những dự án bổ sung năng lượng mặt trời mới của Ấn Độ, tọa lạc tại bang Madhya Pradesh. Công viên năng lượng mặt trời này bao gồm 3 nhà máy điện mặt trời, mỗi nhà máy có công suất 250 MW. Năng lượng điện tạo ra bởi dự án sẽ cung cấp cho hệ thống tàu điện ngầm Delhi và toàn bộ khu vực xung quanh dự án này.

an-do-dua-vao-van-hanh-nha-may-dien-mat-troi-cong-suat-750-mw-1Dự án điện mặt trời Rewa Ultra Mega đã được khánh thành (Ảnh Twitter)

Do dịch bệnh COVID-19, lễ khánh thành dự án điện mặt trời Rewa Ultra Mega được tổ chức dưới dạng hội nghị trực tuyến vào ngày 10/7/2020. Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tại buổi lễ, ông Narendra Modi nhấn mạnh siêu nhà máy điện mặt trời Rewa Ultra Mega sẽ biến toàn bộ khu vực bang Madhya Pradesh thành một trung tâm lớn cho năng lượng sạch và tinh khiết. Ông Modi gọi những dự án năng lượng mặt trời như dự án Rewa là các dấu hiệu của một đất nước Ấn Độ tự cường. Dự án Rewa cung cấp năng lượng sạch, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và mang lại lợi ích cho những người nghèo, tầng lớp trung lưu, nông dân ở bang Madhya Pradesh. Ông Narendra Modi cũng cam kết sẽ đưa thêm các nhà máy năng lượng mặt trời tới bang để người dân có thêm nguồn thu nhập.

Thủ tướng Ấn Độ khẳng định năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng “chắc chắn, tinh khiết và an toàn”. Phát triển năng lượng mặt trời là một trong các nỗ lực của Ấn Độ để làm cho môi trường, không khí, nước duy trì sự tinh khiết. Ông Modi nói rằng điều này được phản ánh một cách rõ ràng trong các chính sách và chiến lược phát triển điện mặt trời ở đất nước đông dân thứ 2 thế giới này.

Ấn Độ là một quốc gia tiên phong trong việc phát triển các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo, không chỉ ở khung chính sách quốc gia mà có cả chính sách của các bang. Việc lập kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo ở Ấn Độ bắt đầu từ năm 1982. Đầu những năm 1990, Ấn Độ đã đưa ra các ưu đãi thuế suất cho nguồn năng lượng gió, là một mốc quan trọng về chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo của Ấn Độ.

an-do-dua-vao-van-hanh-nha-may-dien-mat-troi-cong-suat-750-mw-2Bhadla Solar Park hiện là công viên năng lượng mặt trời có công suất lớn nhất thế giới (Ảnh internet)

Ấn Độ đang đặt những mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng mặt trời, năng lượng gió và đã bước đầu đạt được những thành quả ấn tượng. Riêng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, ban đầu Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đạt công suất 20 GW vào năm 2022 nhưng vào tháng 01/2018, Ấn Độ đã hoàn thành mục tiêu này. Do đó, mục tiêu mới đạt 100 GW năng lượng mặt trời được đặt ra. Hiện Ấn Độ đang sở hữu những dự án điện mặt trời thuộc nhóm lớn nhất thế giới như công viên năng lượng mặt trời Bhadla Solar Park công suất 2.245 MW, Công viên năng lượng Pavagada công suất 2.050 MW, nhà máy điện mặt trời Kurnool Ultra Mega Solar Park tại bang Andhra Pradesh công suất 1.000 MW… Ngoài ra, Ấn Độ cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới có chi phí điện mặt trời thấp hơn chi phí sản xuất hiện than – vốn là nguồn phát điện rẻ nhất. Theo đó, vào năm 2018, chi phí sản xuất điện mặt trời ở Ấn Độ giảm xuống chỉ còn 38 USD cho mỗi MWh (bao gồm chi phí xây dựng, vay vốn đầu tư cho nhà máy mới, đã loại bỏ các khoản trợ cấp trực tiếp), thấp hơn 14% so với điện than. Ấn Độ đang có kế hoạch trở thành nhà lãnh đạo và trung tâm thế giới trong sản xuất điện mặt trời.

Cũng tại buổi khánh thành dự án năng lượng mặt trời Rewa Ultra Mega, ông Narendra Modi khẳng định Ấn Độ đang tập trung để giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu các phần cứng cho nhà máy điện mặt trời, như các tấm pin quang điện, pin dự trữ… Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhà khởi nghiệp được khuyến khích tận dụng cơ hội để sản xuất và cải thiện các yếu tố đầu vào cho năng lượng mặt trời.

Vu Phong Solar

The post Ấn Độ đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời công suất 750 MW appeared first on Vũ Phong Solar.



source https://solarpower.vn/an-do-dua-vao-van-hanh-nha-may-dien-mat-troi-cong-suat-750-mw/
Share:

7/7/20

Phát triển năng lượng tái tạo, nhiều nước đóng cửa toàn bộ nhà máy điện than

phat-trien-nang-luong-tai-tao-nhieu-nuoc-dong-cua-toan-bo-nha-may-dien-than-3

Ngày 03/7/2020, Đức đã thông qua dự luật đóng cửa toàn bộ các nhà máy năng lượng than đá vào năm 2038. Nhiều quốc gia khác cũng đã và đang thực hiện điều này trong hành trình phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đức từ bỏ cả năng lượng than đá và năng lượng hạt nhân

Theo dự luật mà Lưỡng viện quốc hội Đức thông qua, đến năm 2038, Đức sẽ đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng và sẽ chi 40 tỉ euro (tương đương 45 tỉ USD) để hỗ trợ cho những khu vực chịu tác động của sự chuyển đổi này. Trước mắt, trong hành trình tới đây, Đức sẽ đóng cửa 8 nhà máy năng lượng than đá gây ô nhiễm nhất vào cuối năm 2022. Đây cũng là thời điểm Đức sẽ loại bỏ tất cả các nhà máy năng lượng hạt nhân, tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-nhieu-nuoc-dong-cua-toan-bo-nha-may-dien-than-1Nhà máy điện than tại Niederaussem, Đức (Ảnh internet)

Trước đó, vào năm 2018, Đức đã đóng cửa mỏ than đá đen cuối cùng, kết thúc ngành công nghiệp khai thác than hơn 150 năm. Tuy đóng cửa các mỏ than nhưng Đức vẫn nhập khẩu than hoặc khai thác than từ nguồn dự trữ than nâu. Sắp tới, Đức sẽ biến những mỏ than nâu thành khu bảo tồn thiên nhiên hoặc khu nghỉ dưỡng. Tất cả những điều này nằm trong nỗ lực chuyển đổi ngành năng lượng từ năng lượng hóa thạch sang mục tiêu sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo. Theo Bộ trưởng Môi trường Đức, Chính phủ nước này vẫn sẽ cân nhắc đẩy sớm việc “chia tay” than đá so với thời điểm năm 2038 theo dự luật. Hiện năng lượng than đá chiếm khoảng 20% trong tổng số các nguồn cung năng lượng điện tại Đức, năng lượng hạt nhân và năng lượng khí ga đều chiếm khoảng 12%. Từ đầu năm nay, 55,7% điện sản xuất cung cấp cho mục đích sử dụng công cộng ở đất nước này đến từ năng lượng tái tạo.

Xu hướng đóng cửa nhà máy điện than để phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới

Sử dụng năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch đang là một xu hướng diễn ra tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã đóng cửa các nhà máy điện than như một phần quan trọng trong lộ trình phát triển năng lượng tái tạo.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-nhieu-nuoc-dong-cua-toan-bo-nha-may-dien-than-2Năng lượng sạch đang được phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới (Ảnh internet)

Năm 2016, Bỉ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ngưng sử dụng than, nhờ đó giảm được 2 triệu tấn khí thải CO2 hàng năm. Mới đây, hai nước châu Âu khác cũng đã ngừng toàn bộ các nhà máy điện than là Áo và Thụy Điển. Theo đó, ban đầu Thụy Điển cam kết loại bỏ điện than vào năm 2022 nhưng đến tháng 4/2020, nhà máy điện than cuối cùng tại nước này đã đóng cửa vĩnh viễn, giúp Thụy Điển hoàn thành việc “chia tay” điện than trước 2 năm so với thời hạn cam kết. Áo cũng đã dừng hoạt động nhà máy điện than cuối cùng và đang thực hiện mục tiêu ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong 20 năm nữa.

Chính phủ Anh đã ra lệnh từ năm 2025 sẽ cấm sử dụng than đá để sản xuất điện. Nhiều nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Anh cũng đã chính thức đóng cửa, như nhà máy Fiddler’s Ferry công suất 2.000 MW, nhà máy Aberthaw có công suất 1.560 MW. Đầu năm nay, Tập đoàn Điện lực Drax của Anh đã thông báo sẽ ngưng sản xuất điện từ than vào tháng 3/2021 tại nhà máy điện lớn nhất Vương quốc này. Mục tiêu của Drax là sẽ trở thành công ty “carbon âm” hàng đầu thế giới vào năm 2030. Để đạt được điều đó, Drax sẽ tìm cách thu và lưu trữ carbon năng lượng sinh học, thay vì phát thải ra khí quyển.

Xem thêm: Lượng phát thải CO2 đang giảm mạnh có phải tín hiệu đáng mừng?

Một số quốc gia tại châu Á như Hàn Quốc, Triều Tiên … cũng có kế hoạch cho ngừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả để hạn chế ô nhiễm.

Việc “chia tay” nhiên liệu hóa thạch chuyển sang sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… là một hành trình dài, nhất là khi ở nhiều quốc gia, điện sạch có công suất và sản lượng chiếm tỷ lệ còn nhỏ so với các nguồn năng lượng điện than truyền thống. Tuy nhiên, việc đã, đang, sẽ đóng cửa các nhà máy điện than tại nhiều quốc gia một lần nữa cho thấy năng lượng xanh đang lên ngôi và sẽ thống trị ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu.

Vu Phong Solar

The post Phát triển năng lượng tái tạo, nhiều nước đóng cửa toàn bộ nhà máy điện than appeared first on Vũ Phong Solar.



source https://solarpower.vn/phat-trien-nang-luong-tai-tao-nhieu-nuoc-dong-cua-toan-bo-nha-may-dien-than/
Share:

2/7/20

Điện mặt trời mái nhà phát triển rầm rộ tại Đồng Nai

Điện mặt trời mái nhà đang phát triển “nóng” tại tỉnh Đồng Nai. Số người dân, doanh nghiệp sản xuất lắp đặt điện mặt trời tăng nhanh theo cấp số nhân.

Gần 2.000 khách hàng, tổng công suất 40.500 kWp

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai), thời gian vừa qua, điện mặt trời mái nhà phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối tháng 7/2019, tại Đồng Nai có 640 khách hàng lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái đã ký hợp đồng mua bán điện với PC Đồng Nai, tổng công suất lắp đặt là 14,9 MWp, tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm 2018. Từ đầu tháng 8/2019 đến giữa tháng 6 năm nay, điện mặt trời áp mái tiếp tục phát triển rầm rộ. Hiện tại Đồng Nai đã có gần 2.000 hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất, đơn vị kinh doanh lắp đặt điện mặt trời phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đồng thời bán lại điện cho điện lực. Tổng công suất lắp đặt đã lên tới hơn 40.500 kWp và sản lượng phát điện lên lưới điện quốc gia là gần 9.000 kWh.

Tháng 3/2019, chị N.N.T (ngụ P. Trảng Dài, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã lắp điện mặt trời mái nhà hòa lưới công suất hệ thống 6kWp cho gia đình mình. Chị T. cho biết, mỗi ngày, hệ thống này tạo ra khoảng 25-30 kWh điện. Từ khi lắp đặt điện mặt trời đến nay, mỗi tháng gia đình chị tiết kiệm được gần 70% chi phí điện sinh hoạt và bán được cho ngành điện khoảng 500 ngàn đồng. Hay một công ty tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đã bỏ ra một khoản chi phí ban đầu khoảng hơn 600 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời với giàn pin năng lượng mặt trời trên mái các trang trại chăn nuôi. Hệ thống này giúp công ty tiết kiệm được 40% tổng lượng điện tiêu thụ. Sau hơn 2 năm lắp đặt, nhận thấy hiệu quả của điện mặt trời, công ty này đang có kế hoạch mở rộng quy mô hệ thống để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất.

dien-mat-troi-mai-nha-phat-trien-ram-ro-tai-dong-nai-1Hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 6kWp do Vũ Phong Solar thi công tại Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai

Cẩn trọng để hệ thống điện mặt trời mái nhà mang lại lợi nhuận cao nhất

Tại Đồng Nai, lượng bức xạ mặt trời trung bình năm khoảng 1.849 kWh/m2/năm với khoảng 2.445 giờ nắng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng. Các cơ chế khuyến khích thiết thực của Nhà nước dành cho điện mặt trời cùng sự gia tăng nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích của năng lượng sạch và điện năng lượng mặt trời là những yếu tố quan trọng khiến điện mặt trời áp mái ngày càng được nhiều người quan tâm tìm hiểu và đầu tư lắp đặt. Đặc biệt, Đồng Nai cũng là địa phương tập trung nhiều nhà máy sản xuất, doanh nghiệp có sẵn hạ tầng, kết cấu mái rất thuận tiện để phát triển điện mặt trời áp mái. Khi các doanh nghiệp này tham gia phát triển “điện sạch”, tổng công suất điện mặt trời tại Đồng Nai sẽ càng cao hơn.

dien-mat-troi-mai-nha-phat-trien-ram-ro-tai-dong-nai-2Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng của một công ty tại Đồng Nai, sử dụng 2.820 tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, Vũ Phong Solar thi công

Nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà cao tác động không nhỏ tới thị trường pin năng lượng mặt trời tại Đồng Nai. Hiện nay, tấm pin năng lượng mặt trời rất đa dạng về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ với giá thành, chất lượng khác nhau. Những loại pin chất lượng cao, của nhà sản xuất uy tín, lâu năm trên thị trường thường có độ bền, hiệu suất, chế độ bảo hành tốt hơn nhưng giá cũng cao hơn. Theo Vũ Phong Solar ghi nhận từ chia sẻ của nhiều khách hàng tại Đồng Nai, các khách hàng này đã được một số đơn vị gợi ý sử dụng pin năng lượng mặt trời giá rẻ để “tiết kiệm chi phí lắp đặt”. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, thấy các loại pin mặt trời được gợi ý không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hoặc của thương hiệu không uy tín, các khách hàng đã quyết định nhờ Vũ Phong Solar tư vấn.

Với kinh nghiệm hơn 11 năm trong lĩnh vực điện mặt trời, từng thi công hơn 1.000 công trình từ điện mặt trời dân dụng cho các hộ gia đình, điện mặt trời công nghiệp đến trang trại điện mặt trời quy mô lớn, Vũ Phong Solar khuyến cáo khách hàng nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin để lựa chọn những thiết bị năng lượng mặt trời chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ công trình, mang lại lợi nhuận cao nhất cho người đầu tư. Hơn nữa, tấm pin mặt trời là vật tư mang giá trị cao, nếu khách hàng không được đảm bảo về quyền lợi bảo hành thì thiệt hại về kinh tế sẽ lớn khi các tấm pin gặp lỗi kỹ thuật.

Quý khách hàng có thể liên hệ Tổng đài miễn cước 1800 7171 để các kỹ sư của Vũ Phong Solar hỗ trợ thông tin chi tiết về điện mặt trời mái nhà, các tấm pin năng lượng mặt trời hay bất cứ thắc mắc nào về hệ thống điện mặt trời.

Vu Phong Solar

The post Điện mặt trời mái nhà phát triển rầm rộ tại Đồng Nai appeared first on Vũ Phong Solar.



source https://solarpower.vn/dien-mat-troi-mai-nha-phat-trien-ram-ro-tai-dong-nai/
Share:

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Vũ Phong Energy Group, được thành lập năm 2009. Ban đầu, công ty hoạt động với ngành nghề cốt lõi là điện năng lượng mặt trời, trong vai trò nhà thầu EPC chuyên nghiệp và cung cấp dịch vụ vận hành bảo dưỡng (O&M), nghiên cứu và sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Với năng lực vững vàng, thương hiệu uy tín và thái độ tận tâm, Vũ Phong đã trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực điện mặt trời, ghi dấu với hàng loạt dự án lớn có chất lượng và tính thẩm mỹ cao. Hiện nay, Vũ Phong đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển các ngành năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió, thủy điện tích năng, năng lượng sóng, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái với sứ mệnh “Phát triển năng lượng sạch vì một môi trường xanh Việt Nam”. Xem Thêm: Giá Pin Năng Lượng Mặt Trời, Sản phẩm điện mặt trời, Dự án điện mặt trời

Tìm kiếm Blog này