Ngày 03/7/2020, Đức đã thông qua dự luật đóng cửa toàn bộ các nhà máy năng lượng than đá vào năm 2038. Nhiều quốc gia khác cũng đã và đang thực hiện điều này trong hành trình phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đức từ bỏ cả năng lượng than đá và năng lượng hạt nhân
Theo dự luật mà Lưỡng viện quốc hội Đức thông qua, đến năm 2038, Đức sẽ đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng và sẽ chi 40 tỉ euro (tương đương 45 tỉ USD) để hỗ trợ cho những khu vực chịu tác động của sự chuyển đổi này. Trước mắt, trong hành trình tới đây, Đức sẽ đóng cửa 8 nhà máy năng lượng than đá gây ô nhiễm nhất vào cuối năm 2022. Đây cũng là thời điểm Đức sẽ loại bỏ tất cả các nhà máy năng lượng hạt nhân, tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo.
Nhà máy điện than tại Niederaussem, Đức (Ảnh internet)
Trước đó, vào năm 2018, Đức đã đóng cửa mỏ than đá đen cuối cùng, kết thúc ngành công nghiệp khai thác than hơn 150 năm. Tuy đóng cửa các mỏ than nhưng Đức vẫn nhập khẩu than hoặc khai thác than từ nguồn dự trữ than nâu. Sắp tới, Đức sẽ biến những mỏ than nâu thành khu bảo tồn thiên nhiên hoặc khu nghỉ dưỡng. Tất cả những điều này nằm trong nỗ lực chuyển đổi ngành năng lượng từ năng lượng hóa thạch sang mục tiêu sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo. Theo Bộ trưởng Môi trường Đức, Chính phủ nước này vẫn sẽ cân nhắc đẩy sớm việc “chia tay” than đá so với thời điểm năm 2038 theo dự luật. Hiện năng lượng than đá chiếm khoảng 20% trong tổng số các nguồn cung năng lượng điện tại Đức, năng lượng hạt nhân và năng lượng khí ga đều chiếm khoảng 12%. Từ đầu năm nay, 55,7% điện sản xuất cung cấp cho mục đích sử dụng công cộng ở đất nước này đến từ năng lượng tái tạo.
Xu hướng đóng cửa nhà máy điện than để phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới
Sử dụng năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch đang là một xu hướng diễn ra tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã đóng cửa các nhà máy điện than như một phần quan trọng trong lộ trình phát triển năng lượng tái tạo.
Năng lượng sạch đang được phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới (Ảnh internet)
Năm 2016, Bỉ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ngưng sử dụng than, nhờ đó giảm được 2 triệu tấn khí thải CO2 hàng năm. Mới đây, hai nước châu Âu khác cũng đã ngừng toàn bộ các nhà máy điện than là Áo và Thụy Điển. Theo đó, ban đầu Thụy Điển cam kết loại bỏ điện than vào năm 2022 nhưng đến tháng 4/2020, nhà máy điện than cuối cùng tại nước này đã đóng cửa vĩnh viễn, giúp Thụy Điển hoàn thành việc “chia tay” điện than trước 2 năm so với thời hạn cam kết. Áo cũng đã dừng hoạt động nhà máy điện than cuối cùng và đang thực hiện mục tiêu ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong 20 năm nữa.
Chính phủ Anh đã ra lệnh từ năm 2025 sẽ cấm sử dụng than đá để sản xuất điện. Nhiều nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Anh cũng đã chính thức đóng cửa, như nhà máy Fiddler’s Ferry công suất 2.000 MW, nhà máy Aberthaw có công suất 1.560 MW. Đầu năm nay, Tập đoàn Điện lực Drax của Anh đã thông báo sẽ ngưng sản xuất điện từ than vào tháng 3/2021 tại nhà máy điện lớn nhất Vương quốc này. Mục tiêu của Drax là sẽ trở thành công ty “carbon âm” hàng đầu thế giới vào năm 2030. Để đạt được điều đó, Drax sẽ tìm cách thu và lưu trữ carbon năng lượng sinh học, thay vì phát thải ra khí quyển.
Xem thêm: Lượng phát thải CO2 đang giảm mạnh có phải tín hiệu đáng mừng?
Một số quốc gia tại châu Á như Hàn Quốc, Triều Tiên … cũng có kế hoạch cho ngừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả để hạn chế ô nhiễm.
Việc “chia tay” nhiên liệu hóa thạch chuyển sang sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… là một hành trình dài, nhất là khi ở nhiều quốc gia, điện sạch có công suất và sản lượng chiếm tỷ lệ còn nhỏ so với các nguồn năng lượng điện than truyền thống. Tuy nhiên, việc đã, đang, sẽ đóng cửa các nhà máy điện than tại nhiều quốc gia một lần nữa cho thấy năng lượng xanh đang lên ngôi và sẽ thống trị ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu.
Vu Phong Solar
The post Phát triển năng lượng tái tạo, nhiều nước đóng cửa toàn bộ nhà máy điện than appeared first on Vũ Phong Solar.
source https://solarpower.vn/phat-trien-nang-luong-tai-tao-nhieu-nuoc-dong-cua-toan-bo-nha-may-dien-than/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét