Việc cho phép xã hội hóa lưới điện truyền tải sẽ giúp giải tỏa những điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo, tạo điều kiện cho các nguồn năng lượng sạch phát triển đúng với tiềm năng.
Chiều ngày 22/6/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Bộ Công thương chủ trì quản lý điện lực, lên phương án cụ thể và chịu trách nhiệm đến cùng trong chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, phải áp dụng Nghị quyết của Bộ Chính trị và pháp luật có liên quan đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia sản xuất điện, bao gồm cả lưới truyền tải. Phát triển điện gắn với bảo vệ môi trường sống; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, ít gây ô nhiễm.
Trước đó, theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 11/02/2020, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng” (trích nguyên văn Nghị quyết số 55).
Cho phép xã hội hóa lưới điện truyền tải được xem là giải pháp giúp gỡ bỏ độc quyền, rào cản bất hợp lý và giải tỏa điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển năng lượng sạch hiện nay là nút thắt hạ tầng. Bởi lẽ, thực tế thời gian qua, cùng với sự thăng hoa của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, đã có thời gian hạ tầng điện không theo kịp đà tăng trưởng của năng lượng sạch, dẫn tới lưới điện và trạm biến áp không đủ công suất để tiêu thụ hết. Nguyên nhân của tình trạng này là do các dự án năng lượng tái tạo chủ yếu do khu vực tư nhân đầu tư nên không bị vướng quy trình thủ tục pháp lý còn các dự án hạ tầng điện phải tuân thủ chính sách, pháp luật về quản lý nguồn vốn, mất nhiều thời gian cho quy trình thủ tục và thực hiện.
Gỡ nút thắt về lưới điện truyền tải sẽ tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo phát triển đúng với tiềm năng
Cũng liên quan đến lưới điện truyền tải, vào chiều ngày 18/6/2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Luật Đầu tư theo phương phức đối tác công tư (PPP) cũng đã chính thức được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trong đó, lưới điện, nhà máy điện là một trong 5 lĩnh vực được phép đầu tư theo hình thức PPP.
Như vậy, những vướng mắc pháp lý bó buộc nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực truyền tải lưới điện đang dần được gỡ bỏ, hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm khi xây dựng đường dây truyền tải. Theo ý kiến của một số chuyên gia năng lượng, việc xây dựng lưới truyền tải không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn mà còn phải đối mặt với những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất do thủ tục phức tạp và cần nhiều thời gian, nên chăng có cơ chế đặc thù cho các dự án lưới điện đồng bộ với nguồn năng lượng tái tạo nhằm thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy tiến độ các dự án lưới này.
Xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng truyền tải đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng vượt bậc của năng lượng tái tạo để đến năm 2025, tổng công suất nguồn của điện mặt trời sẽ đạt 14.500MW, tổng công suất điện gió và điện mặt trời sẽ đạt trên 20.000MW như dự kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực.
Vu Phong Solar
The post Năng lượng tái tạo sẽ được gỡ nút thắt về lưới điện truyền tải? appeared first on Vũ Phong Solar.
source https://solarpower.vn/nang-luong-tai-tao-se-duoc-go-nut-that-ve-luoi-dien-truyen-tai/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét